Khám phá văn hoá biển cả đặc sắc qua Lễ hội Làng cá Cát Bà
Bài đăng ngày 30 Tháng 4, 2025
Hòa mình vào không khí tưng bừng của lễ hội Làng cá Cát Bà, sự kiện tái hiện trọn vẹn đời sống ngư dân qua đua thuyền rồng, lễ Cầu ngư, hội chợ hải sản…
visitphuquoc
Thêm vào mục Yêu thích người đã thêm điều này
In

Lễ hội Làng cá Cát Bà là sự kiện văn hóa truyền thống đặc sắc, ghi nhớ sự kiện Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà (31/3/1959). Lễ hội cũng là dịp để người dân nơi đây tưởng nhớ công ơn tổ tiên, thần biển và các bậc tiền nhân đã khai phá vùng đất này. 

Danh mục:



  1. Nguồn gốc lễ hội Làng cá Cát Bà

Lễ hội Làng cá Cát Bà có nguồn gốc từ sự kiện lịch sử quan trọng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Cát Bà vào ngày 31/3/1959, trong chuyến thăm và kiểm tra tình hình phát triển kinh tế xã hội sau hòa bình lập lại ở miền Bắc và tại một số đảo thuộc vùng Đông Bắc.

Bác Hồ thăm và căn dặn bà con trong dịp về thăm làng cá Cát Bà ngày 31/3/1959 (Ảnh: sưu tầm)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian tiếp xúc, gặp gỡ với nhân dân huyện đảo Cát Bà. Người căn dặn: “Rừng là vàng, biển là bạc, rừng biển của ta do nhân dân ta làm chủ, phải ra sức khai thác, bảo vệ, phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc”. Nhằm ghi nhớ lời dạy của Bác và để tưởng nhớ sự kiện này, người dân Cát Bà đã tổ chức lễ hội Làng cá Cát Bà vào ngày 31/3 hàng năm nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với Bác Hồ và tôn vinh truyền thống nghề cá của vùng biển này.

Di tích quốc gia Bác Hồ về thăm làng Cá tại Thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Thành phố Hải Phòng (Ảnh: Sưu tầm)

Trải qua hơn 65 năm, lễ hội Làng cá Cát Bà trở thành ngày hội lớn của huyện đảo, cũng đúng dịp ngày truyền thống của ngành Thuỷ sản Việt Nam 1/4. Đây cũng là dịp đánh dấu khởi đầu mùa du lịch Cát Bà và là thời điểm quan trọng để ngư dân chính thức bước vào vụ đánh bắt Nam.

  1. Khám phá nét đặc sắc của lễ hội Làng cá Cát Bà

Lễ hội Làng cá Cát Bà thường kéo dài 1-2 ngày, từ ngày 31/3 đến 1/4 nhưng không khí lễ hội thường kéo dài trước và sau sự kiện, thu hút đông đảo du khách và ngư dân tham gia.

  1. Lễ Cầu ngư

Cũng như ngư dân vùng biển khác, lễ hội Làng cá Cát Bà là phần lễ truyền thống, nằm sâu trong tiềm thức của người dân Cát Bà, thể hiện tín ngưỡng tâm linh của người dân vùng biển. 

Nghi lễ thả 330.000 con cá giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên (Ảnh: Sưu tầm)

Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi lễ trang trọng như nghinh thần, tế lễ, hát tuồng và đặc biệt là lễ thả hơn 330.000 giống thuỷ sản và phát động ra quân khai thác vụ cá Nam cầu mong cho một năm tôm cá đầy khoang. Đây cũng là hoạt động thiết thực hàng năm của huyện đảo Cát Hải nhằm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

  1. Lễ kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm làng cá và khai mạc du lịch Cát Bà

Chương trình lễ kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm làng cá là sự kiện trọng tâm trong lễ hội Làng cá Cát Bà, diễn ra vào buổi tối nhằm ôn lại kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm (31/3/1959), tôn vinh truyền thống ngành thủy sản Việt Nam và khai mạc mùa du lịch Cát Bà.

Sự kiện kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà và khai mạc du lịch Cát Bà (Ảnh: Sưu tầm)

Chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục đặc sắc như ca múa nhạc tái hiện hình ảnh Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà và văn hoá biển đảo, tinh thần đoàn kết của ngư dân.

  1. Sôi đông hội đua thuyền rồng lễ hội Làng cá Cát Bà

Hội thi đua thuyền Rồng trên biển là hoạt động không thể thiếu trong lễ hội Làng cá Cát Bà. Cuộc đua mang ý nghĩa truyền thống, thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh con người trước biển cả.

Người dân và du khách háo hức tham gia hội đua thuyền rồng trong lễ hội Làng cá Cát Bà (Ảnh: Sưu tầm)

Thuyền Rồng dài 11m, rộng 1,5m, chở 22-26 người, được đóng công phu. Đường đua dài 3km, gồm 3 vòng với cờ báo hiệu hai đầu. Thuyền về đích trước giành chiến thắng. Tiếng trống hội rộn ràng, tiếng hò reo cổ vũ vang vọng cả vùng biển, làm tăng thêm khí thế hào hứng. Ngoài cuộc đua thuyền Rồng, Hội còn có các trò thi phối hợp, biểu diễn lướt ván, đua thuyền thúng của cư dân miền duyên hải.

  1. Hội chợ Thương mại-Du lịch-Thủy sản

Thường diễn ra trước các ngày lễ chính tại trung tâm du lịch Cát Bà, hội chợ với hàng trăn gian hàng trưng bày các sản phẩm thời trang, hóa mỹ phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương.

Đa dạng các hoạt động truyền thống và hiện đại được tổ chức xuyên suốt lễ hội Làng cá Cát Bà (Ảnh: Sưu tầm)

  1. Ý nghĩa của Lễ hội Làng cá Cát Bà 

Lễ hội Làng cá Cát Bà không chỉ là sự kiện văn hóa truyền thống mà còn mang trong mình hơi thở của biển cả, niềm tự hào của ngư dân và khát vọng vươn khơi của đất nước.

Đây là dịp để người dân Cát Bà và du khách cùng hòa mình vào không gian lễ hội đậm đà bản sắc, nơi quá khứ và hiện tại giao thoa, tạo nên một bức tranh văn hóa đầy màu sắc.

visitphuquoc visitphuquoc