Lễ hội Xa Mã - Rước kiệu đình Hoàng Châu: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bài đăng ngày 30 Tháng 4, 2025
Lễ hội Xa Mã tại đình Hoàng Châu là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời tại Cát Bà, Hải Phòng, hội tụ của nhiều giá trị văn hóa của cư dân miền biển.
visitphuquoc
Thêm vào mục Yêu thích người đã thêm điều này
In

Du lịch Cát Bà, du khách không chỉ bị hấp dẫn bởi những bãi biển tuyệt đẹp, làng chài lâu đời mà còn có thể hòa mình vào các lễ hội truyền thống đặc sắc. Và nổi tiếng nhất là Lễ hội Xa Mã – Rước kiệu đình Hoàng Châu, lễ hội thể hiện nét văn hóa truyền thống độc đáo chỉ có duy nhất ở Hoàng Châu, Hải Phòng.

Danh mục


  1. Lễ hội Xa Mã bắt nguồn từ đâu?

Lễ hội Xa Mã – Rước kiệu đình Hoàng Châu có lịch sử lâu đời, gắn liền với tín ngưỡng thờ Thành Hoàng Làng. Đây cũng là một trong số 12 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mang giá trị văn hóa đặc sắc, đặc trưng cho cuộc sống của cư dân vùng duyên hải miền Bắc Việt Nam. 

Lễ hội Xa Mã – Đình Hoàng Châu (Ảnh: Sưu tầm)

  1. Nguồn gốc tên gọi “Xa Mã”

Xa Mã, hay còn gọi là thi kéo ngựa gỗ, theo các tài liệu dân gian, từ xa xưa, người dân Hoàng Châu đã sử dụng xe ngựa gỗ để tái hiện cảnh luyện tập trận chiến của binh sĩ thời phong kiến. 

Tên gọi “Xa Mã” bắt nguồn từ cuộc thi kéo ngựa gỗ (Ảnh: Sưu tầm)

Trong các nghi thức rước kiệu của lễ hội, giá xe Xa Mã được thiết kế chắc chắn với bốn bánh gỗ, trên xe đặt một con ngựa gỗ có dây cương, yếm hoa và lục lạc, tạo nên hình ảnh đoàn quân diễu hành hùng dũng. Đây không chỉ là phương tiện rước kiệu mà còn thể hiện tinh thần thượng võ, kiên cường của cư dân vùng biển, tái hiện lại khí thế của những đoàn quân ngày xưa bảo vệ quê hương.

  1. Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng Làng

Đình Hoàng Châu thờ Mẫu Liễu Hạnh, vị thánh mẫu linh thiêng trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, cùng hai vị thần được tôn là Đức Thành Hoàng và Đức Bản Thổ – biểu tượng của sức mạnh bảo vệ vùng biển Đông Bắc.

Nghi lễ Rước Kiệu Đình Hoàng Châu (Ảnh: Sưu tầm)

Ngoài ra, đình còn thờ Vua Bà Nam Hải Càn Quế Lương Quốc Mẫu và Đức Ông Đông Hải Đô Úy Đại Vương, hai vị thần linh đầy quyền uy trong đời sống tâm linh của ngư dân, che chở cho họ trước sóng gió biển cả.

  1. Ý nghĩa của lễ hội Xa Mã – Rước kiệu Đình Hoàng Châu

Lễ hội Xa Mã không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tâm linh và văn hóa của cư dân vùng biển Cát Hải mà còn là dịp để cộng đồng ngư cư dân biển đảo thể hiện tinh thần đoàn kết và là dịp để thế hệ trẻ hiểu và trân trọng di sản văn hóa truyền thống. 

Với những giá trị văn hóa, tâm linh và lịch sử đặc biệt, năm 2017, Lễ hội Xa Mã – Rước kiệu đình Hoàng Châu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

  1. Lễ hội Xa Mã tổ chức khi nào? Ở đâu?

Hàng năm, lễ hội Xa Mã bắt đầu vào hội từ ngày 9/6 âm lịch và Chính hội diễn ra vào ngày 10/6 âm lịch tại Đình Hoàng Châu, xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải (thành phố Hải Phòng). Dịp này, khắp nơi trong làng đều rực rỡ cờ và hoa, không khí rộn rang, tập nập phủ khắp các ngõ xóm.

Người dân và du khách đổ về tham dự lễ hội Xa Mã (Ảnh: Sưu tầm)

  1. Nghi lễ Rước kiệu – Điểm đặc sắc nhất trong lễ hội Xa Mã

Mở đầu lễ hội Xa Mã là Lễ Cáo Yết. Theo phong tục, nghi lễ này sẽ diễn ra vào đầu giờ chiều ngày 9/6 âm lịch. Người dân trong làng sẽ dâng lễ vật lên thần linh để xin phép mở hội, đánh dấu sự khởi đầu của một sự kiện văn hóa quan trọng.

Ngày 10/6 âm lịch, lễ hội bước vào Chính hội với Lễ Đại Tế, nơi các đoàn đại biểu, đại diện các dòng họ và du khách thập phương thành kính dâng hương lên các vị thánh thần. Sau phần lễ trang trọng, các đội Xa Mã và rước kiệu bắt đầu vào vị trí, chuẩn bị cho nghi thức quan trọng nhất của lễ hội.

Các nghi lễ truyền thống được tổ chức trọng thể tại lễ hội Xa Mã (Ảnh: Sưu tầm)

Tại sân đình, hai giáp trong làng – Giáp Đông (áo đỏ) và Giáp Tây (áo vàng) – dàn đội hình chỉnh tề. Mỗi giáp có 15-20 trai đinh, xếp thành hàng ngay ngắn trước cỗ Xe Ngựa Gỗ (Xa Mã), biểu tượng đặc trưng của lễ hội. Các nam quan, nữ quan tham gia rước kiệu tại hội làng được chọn phải là những người chưa có vợ, chồng; gia đình không có tang. Khi hiệu lệnh phát ra, tiếng quân reo, tiếng ngựa hý, trống trận dồn dập vang vọng cả một góc trời, tái hiện cảnh binh sĩ xưa rèn luyện, duyệt binh.

Trai gái trong làng tham gia cuộc thi kéo ngựa gỗ (Ảnh: Sưu tầm)

Xuất phát từ đình Hoàng Châu, kiệu sẽ được rước qua các con đường chính, sau đó quay về đình để thực hiện lễ tễ. Khác với các lễ hội truyền thống khác, việc sử dụng xe ngựa để rước kiệu giúp lễ hội mang nét đặc trưng riêng biệt của văn hóa vùng biển Cát Hải.

Song song các nghi lễ của Lễ hội là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, cùng nhiều trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi, phấn khởi, hào hứng ngày Lễ hội.

  1. Tại sao bạn nên tham gia Lễ hội Xa Mã?

Lễ hội Xa Mã – Rước kiệu đình Hoàng Châu không chỉ là một sự kiện tín ngưỡng quan trọng mà còn mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo mà bạn không nên bỏ lỡ. Để trải nghiệm trọn vẹn không khí lễ hội, du khách nên đến Cát Bà vào mùng 9 – 10 tháng Giêng âm lịch, kết hợp khám phá Vịnh Lan Hạ, Đảo Khỉ, Bãi Tùng Thu. Đây sẽ là chuyến đi đáng nhớ, giúp bạn hiểu hơn về văn hóa biển đảo Việt Nam!


visitphuquoc visitphuquoc