Mỗi mùa lễ hội, cả vùng đảo như khoác lên mình tấm áo rực rỡ với những nghi lễ trang nghiêm, trò chơi dân gian sôi động và không khí náo nhiệt của cư dân miền biển. Nếu bạn muốn trải nghiệm một Cát Bà thật khác, hãy tham gia những lễ hội truyền thống đặc sắc dưới đây – nơi quá khứ và hiện tại giao thoa trong từng nhịp trống hội!
Danh mục:
1. Lễ hội Đền Mẫu Bà Hiền Hào 1 2. Lễ hội Truyền thống Chèo Bơi Cát Hải 1 3. Lễ hội Làng Cá Cát Bà 31/3 2 4. Lễ hội Truyền thống Xa Mã – Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia 2 |
Lễ hội Đền Mẫu Bà Hiền Hào
Thời gian: Từ ngày 10 đến 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Địa điểm: Xã Hiền Hào, huyện Cát Hải, Hải Phòng.
Được xây dựng từ thời Tiền Lê, đền Mẫu Bà cũng là một biểu tượng văn hóa quan trọng của vùng huyện đảo. Lễ hội Đền Mẫu Bà Hiền Hào là lễ hội truyền thống mở đầu mùa lễ hội mùa xuân tại đây. Đây là dịp để người dân cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và cuộc sống bình an.
Đền Mẫu Bà là một trong những điểm đến tâm linh được nhiều người dân Cát Hải, Cát Bà lựa chọn du xuân đầu năm (Ảnh: Sưu tầm)
Trong ba ngày lễ hội, người dân và du khách tham gia các nghi thức tế lễ trang nghiêm, cùng nhiều trò chơi dân gian. Những hoạt động này không chỉ tạo không khí vui tươi mà còn gắn kết cộng đồng và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống.
Các nghi lễ truyền thống được tổ chức trang trọng trong lễ hội (Ảnh: Sưu tần)
Đền Mẫu Bà Hiền Hào cách trung tâm Cát Bà chỉ khoảng 13 km, du xuân dịp đầu năm tại đây du khách cũng có thể kết hợp tham quan nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn khác ở Cát Bà như bãi biển Hiền Hào, các đảo xung quanh và vườn quốc gia Cát Bà.
Lễ hội Truyền thống Chèo Bơi Cát Hải
Thời gian: Ngày 21 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Địa điểm: Thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, Hải Phòng.
“Dù ai buôn đâu bán đâu/ Lễ hội hai mốt rủ nhau thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Đến ngày hai mốt nhớ về chèo bơi”, đến du lịch Cát Bà vào những tháng đầu xuân, du khách cũng có thể ghé qua thị trấn Cát Hải để hoà mình vào không khí rộn ràng của Lễ hội chèo bơi - một nét văn hóa riêng đã góp phần tạo nên sắc thái xuân khá độc đáo ở vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc.
Lễ hội chèo bơi - nét văn hoá truyền thống độc đáo ở vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc (Ảnh: Sưu tầm).
Lễ hội Chèo Bơi Cát Hải bắt nguồn từ ý nguyện tâm linh của ngư dân, cầu mong Đông Hải Đại Vương – vị thần cai quản vùng biển phía Đông – phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.
Hoạt động chính của lễ hội là cuộc thi chèo bơi, nơi các đội thi đấu trên những chiếc thuyền truyền thống. Ngoài ra, còn có các hoạt động văn hóa, thể thao và trò chơi dân gian, tạo nên không khí sôi động và hào hứng cho người dân và du khách.
Lễ hội Làng Cá Cát Bà 31/3
Thời gian: Ngày 31/3 hàng năm.
Địa điểm: Thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng.
Lễ hội làng cá Cát Bà là lễ hội truyền thống lớn nhất tại Cát Bà gắn liền với sự kiện ngày 31/3/1959, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng cá Cát Bà, động viên ngư dân trong công việc chài lưới và khẳng định quyền làm chủ biển trời quê hương. Lễ hội không chỉ tôn vinh truyền thống ngư nghiệp, bày tỏ lòng biết ơn với biển cả mà còn mở màn cho mùa du lịch sôi động của Cát Bà.
Lễ hội làng cá Cát Bà diễn ra với nhiều sự kiện quan trọng và hoạt động đặc sắc, hấp dẫn (Ảnh: Sưu tầm)
Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với các nghi thức như cúng cáo yết tại các đình, đền trong khu vực, thể hiện lòng thành kính của ngư dân đối với thần biển và các vị thần linh, cầu mong một năm tôm cá đầy khoang.
Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như đua thuyền rồng, carnaval đường phố, thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và các trò chơi dân gian.
Lễ hội Truyền thống Xa Mã – Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia
Thời gian: Tháng sáu âm lịch hàng năm.
Địa điểm: Xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, Hải Phòng.
Lễ hội Xa Mã có từ lâu đời, gắn liền với quá trình khai hoang, lập làng của người dân vùng biển đảo Cát Hải. Theo truyền thuyết, vùng đất Hoàng Châu xưa kia là nơi sinh sống của những ngư dân đầu tiên đến lập nghiệp, sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Sức hút từ những lễ hội truyền thống (Ảnh: Sưu tầm)
Để tưởng nhớ công lao của những người đi trước, người dân nơi đây đã tổ chức lễ hội Xa Mã vào mỗi dịp đầu năm, vừa để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, vừa để cầu mong một năm mới bình an, thuận lợi.
Nghi lễ rước kiệu bay mang đậm dấu ấn văn hoá (Ảnh: Sưu tầm)
Được công nhận là di sản văn phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2017, lễ hội truyền thống Xa Mã không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của huyện đảo Cát Hải.
Những lễ hội truyền thống không chỉ là dịp để người dân địa phương tôn vinh và bảo tồn các giá trị văn hóa, mà còn là cơ hội để du khách khám phá và trải nghiệm nét đẹp độc đáo của vùng biển đảo này. Tham gia các lễ hội này, du khách sẽ có cơ hội hòa mình vào không khí sôi động, tìm hiểu về đời sống và phong tục tập quán của ngư dân, cũng như thưởng thức những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc.